Con đường đến với Vài Thai

 08:38 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười Hai, 2016

Giờ này tuần trước, chúng tôi - thanh niên 2 Chi đoàn Công ty Xăng dầu Cao Bằng (Petrolimex Cao Bằng) và Phòng Cảnh sát Môi trường - Công An Tỉnh Cao Bằng (P.CSMT Cao Bằng) đang trên đường đến với các em học sinh điểm trường chính của Trường Tiểu học Yên Sơn và phân trường Vài Thai.

Cũng giống như những lần tình nguyện trước, chúng tôi ai cũng hào hứng, phấn khởi vì sắp được trao những món quà nhỏ cho các em học sinh nơi vùng cao, vùng xa và khó khăn của Huyện Thông Nông - Cao Bằng.

Đường đến Vài Thai

Từ TP. Cao Bằng trải qua gần 60km đường đèo, dốc chúng tôi cũng đến được TT. Thông Nông - Huyện Thông Nông. Huyện Thông Nông là một huyện còn rất nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến TT. Thông Nông, chúng tôi bắt đầu đến với Xã Yên Sơn với đường đèo núi, dốc tức, và bắt đầu làm quen với việc lên đỉnh.. cứ thế lên cao.


Đến với điểm trường chính của Trường Tiểu học Yên Sơn - Tuy cơ sở vật chất của trường đã được nhà nước xây dựng tương đối khang trang nhưng các em nhỏ ở nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn, các em vẫn thiếu cơm ăn, áo mặc và có những em hàng ngày phải đi bộ gần 4 km mới đến trường được.

Theo thường lệ như mọi chương trình tình nguyện khác đoàn tình nguyện đến những nơi mà xe ô tô đến tận nơi, trao quà cho các em nhỏ, giao lưu gặp gỡ với các thầy cô và kết thúc một chương trình tình nguyện.

Thế nhưng chúng tôi đã tiếp tục lên đường và chọn một hành trình khó khăn hơn, gian khổ hơn nhưng đã cho các em nhỏ vùng cao, xa hơn có được một chút tình cảm ấm áp của những tấm lòng vàng hai đơn vị.


Và nơi chúng tôi đến tiếp theo là phân trường Vài Thai.

Vài Thai trong tiếng dân tộc có nghĩa là trâu chết, khi chúng tôi nghe tên địa danh, chúng tôi cũng cảm nhận được một phần nào đó của địa danh nơi mà chúng tôi sắp đến.

Thế nhưng khi bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi mới bắt đầu cảm nhận từ từ ý nghĩa của từ Vài Thai. Từ điểm chính của Trường Tiều Học Yên Sơn, chúng tôi vẫn được ngồi xe ô tô thêm 4km nữa và xe dừng lại tại chân một ngọn núi. Từ đây chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng xe của bộ (đi bộ) với những món quà tặng cho tất cả các em học sinh tại phân trường đó là 32 bao gạo mỗi bao 10kg, 10 chiếc chăn nhung ấm, 32 phần quà gồm vở và bột giặt, bánh kẹo.

Rất may mắn chúng tôi nhận được sự trợ giúp của các bậc phu huynh học sinh và đoàn thanh niên của xã đã giúp vận chuyển gạo và vật phẩm đến phân trường. Tuy nhiên, do số lượng vật phẩm cho các em nhỏ rất nhiều nên toàn bộ chăn ấm chúng tôi phải chia nhau mang đến cho các em.

Bắt đầu từ trái tim mình


Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đến phân trường Vài Thai với một khí thế hừng hực, những khuôn mặt vui tươi, phấn khởi vì sắp được mang những phần quà đến cho các em học sinh nơi đây.

Thế nhưng, chúng tôi càng leo lên núi lại càng thấy phân trường xa vời vợi. Đồng hành cùng chúng tôi là các bậc phu huynh của các em học sinh - họ là những người dân tộc dao, cứ đi được một đoạn chúng tôi lại bập bẹ vài câu tiếng tày để hỏi họ xem sắp đến nơi chưa??? - Nhưng, câu trả lời chúng tôi nhận được chỉ là "dằng thâng nao", "nhằng quây lai" có nghĩa "chưa đến đâu", "còn xa lắm".


Cứ thế chúng tôi vừa đi vừa động viên nhau "cố gắng lên" "sắp đến nơi rồi".

Khi leo lên đỉnh núi này chúng tôi nhìn xa xa đã thấy các bậc phụ huynh đi cùng leo lên đỉnh núi khác rồi, chúng tôi lại trêu nhau sao ngày hôm nay mình lên đỉnh nhiều lần thế.

Những chiếc chăn mới đầu được chúng tôi chuẩn bị được đựng trong túi rất đẹp đẽ, gọn gàng nhưng khi qua được một đỉnh núi, những chiếc chăn bắt đầu xộc xệch do quá trình các bạn thanh niên chuyển tay, các bạn chuyển không biết bao nhiêu lần từ tay trái sang tay phải, từ đằng trước ra đằng sau và cuối cùng là đội lên đầu.

Thế nhưng dù có đổi hết vị trí rồi mà vẫn chưa thấy phân trường đâu chỉ thấy đỉnh núi và đỉnh núi.

Tự dưng tôi cảm thấy áy náy vô cùng vì đã chọn một phân trường quá khó khăn như vậy.


Và rồi sau bao nhiêu lần chinh phục các đỉnh núi (khoảng 7 - 8 đỉnh núi gì đó), sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng và sau rất nhiều lần chiếc áo đang mặc ướt rồi khô thì chúng tôi cũng đến nơi.

Phải nói là từ khi nhìn thấy những nóc nhà, chúng tôi đã muốn nhãy cẫng lên vì sung sướng. Thế nhưng, đúng là cuộc đời không như mơ. Từ khi nhìn thấy nóc nhà chúng tôi phải đi bộ hơn 1km nữa mới đến được phân trường với đoạn đường dốc tức và đang trải đá để làm một con đường nhỏ cho xe máy đi qua.

Là sẽ đến nơi


Cuối cùng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã đến được với các em nhỏ của phân trường Vài Thai.

Các em ở đây thật sự rất khổ, từ cái ăn, cái mặc, mọi thứ đều rất thiếu thốn... Do ở trên núi cao - không có nước và dường như các em nhỏ phải đợi đến khi trời mưa mới được tắm và giặt quần áo.

Mặt mũi các em cũng lấm la lấm lét, thấy bịch bim bim trên tay các cô, muốn xin lắm rồi mà cũng không dám đến gần....

Chúng tôi cũng không dám tưởng tượng một cuộc sống không có nước là như thế nào nữa. Không có nước nên người dân ở đó chỉ có thể trồng ngô trên những mảnh đất đồi khô cằn.

Chúng tôi cũng hỏi người dân nơi đây tại sao không chuyển xuống chỗ nào có mạch nước mà sinh sống cho đỡ khổ, nhưng họ nói không có tiền và muốn chuyển nhà thì cần rất nhiều thứ đặc biệt là đất đai, họ không thể xuống núi với bàn tay trắng vì chẳng còn đất nào cho họ khai hoang ở dưới núi nữa.

Thôi thì số phận của họ như vậy rồi thì cũng đành chịu, còn các em nhỏ, hy vọng rằng với những món quà nhỏ của hai chi đoàn các em sẽ thêm động lực cố gắng phấn đấu, học thật tốt để có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.


Chúng tôi đến Vài Thai vào một ngày trời rất đẹp, thế nhưng do đường xa, khó khăn và vất vả nên chúng tôi đến tranh thủ trao quà cho các em học sinh, ăn vội nắm cơm rồi lại vội vã trở về.


Chuyến đi trong ngày ngắn ngủi nhưng thật nhiều cảm xúc trong mỗi chúng tôi.

Chúng tôi sẽ nhớ mãi gương mặt ngây thơ của các em, những thiếu thốn, khó khăn vất vả của giáo viên và học sinh nơi đây. Đặc biệt là cung đường gian nan, vất vả mà chưa có đoàn tình nguyện nào đặt chân đến.

Vài Thai - ôi, cái tên sao mà thương đến thế !

Tạm biệt nhé. Hẹn có ngày trở lại…

Chúng tôi đã đến Vài Thai với con đường như thế đó

Nguồn:  Nông Thị Bạch Diệp  -  Chuyên viên Phòng Kinh doanh
Petrolimex Cao Bằng